Tìm kiếm

Đắk Lắk: Tàu hút cát khiến sông sạt lở, dân mất đất sản xuất?

Theo phản ánh của người dân, hoạt động khai thác cát trên sông Krông Ana khiến bờ sông sạt lở từng ngày, ‘nuốt’ đất sản xuất.

 

Ruộng vườn đổ xuống sông

Theo ghi nhận, dọc sông Krông Ana đoạn chảy qua các xã Yang Tao, Đắk Liêng (thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) nhiều diện tích đất trồng lúa, bắp, cà phê của người dân dọc bờ sông bị sạt lở, trôi theo dòng nước. Nhiều đoạn sạt lở, “ăn” sâu vào đất sản xuất của người dân khiến dòng sông phình to gần trăm mét.

 

 

Sông Krông Ana sạt lở “ăn” sâu vào đất sản xuất của người dân. Theo người dân địa phương, nguyên nhân là do tàu hút cát. Ảnh: Ngọc Hùng

Nhiều vị trí, từng mảng đất nứt toác, đổ sập xuống sông, nhưng cạnh đó các tàu cát đang hoạt động hết công suất, thả vòi đục khoét lòng sông để lấy cát khiến sông Krông Ana luôn trong tình trạng đục ngầu.

 

Theo người dân địa phương, sông Krông Ana sạt lở chủ yếu do hoạt động khai thác cát diễn ra trong suốt thời gian dài khiến dòng chảy bị biến dạng, xâm chiếm đất sản xuất của người dân.

Đứng chỉ tay về diện tích đất của gia đình, bà D. Th. C. (SN 1960, xã Đắk Liêng) than thở: “Gia đình có hơn 2 sào đất trồng bắp, canh tác từ năm 1996, nhưng trong vòng 2 đến 3 năm qua đã bị sạt lở, mất sạch. Thấy tàu chọc vòi hút cát sát đất của mình, nhưng xua đuổi họ không đi. Tàu cát thi nhau hút mới khiến sông Krông Ana sạt lở như hôm nay”.

Theo bà C., tàu hút cát trên sông Krông Ana nhiều vô kể, khoảng 4-5h sáng đã hoạt động.

“Thấy tàu hút cát chọc vòi vào bờ, người dân trong làng bức xúc ra ném đá, xua đuổi nhưng họ vẫn không ngừng. Tình trạng sạt lở ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Chúng tôi mong chính quyền cấm không cho hút gần bờ, gần làng để giữ cho cuộc sống bà con được yên ổn”, bà C. nói.

Tương tự, dẫn PV ra phía sau nhà, ông D. V. L. (SN 1977, ngụ Buôn Mliêng 2) bức xúc: “Gia đình có 2,8 sào đất vườn, được nhà nước cấp sổ đỏ nhưng hiện nay chỉ còn vỏn vẹn 1 sào, còn lại đã nằm dưới sông. Dòng sông giờ sạt lở, lấn sát vào sau nhà gần 30m khiến gia đình vừa mất đất vừa sống trong lo lắng. Tôi đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng không ai giải quyết”.

 

Theo bà D. Th. C. (SN 1960, xã Đắk Liêng), gia đình có hơn 2 sào đất trồng bắp, canh tác từ năm 1996, nhưng trong vòng 2 đến 3 năm qua đã bị sạt lở, mất sạch. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo bà D. Th. C. (SN 1960, xã Đắk Liêng), gia đình có hơn 2 sào đất trồng bắp, canh tác từ năm 1996, nhưng trong vòng 2 đến 3 năm qua đã bị sạt lở, mất sạch. Ảnh: Ngọc Hùng

“Khoảng 2 – 3h sáng, tàu đã đi hút, hút sập hết đất. Trước đây, dọc bờ sông những vị trí sạt lở, chính quyền có cắm biển cấm hút cát nhưng tàu hút cùng với mưa lũ, các tấm biển cấm đã đổ xuống sông. Nhiều người dân thấy tàu hút cát sát bờ khiến đất sạt lở dần nên bán rẻ đất cho tàu hút luôn. Nếu không bán, một thời gian đất cũng lở đi hết”, ông L. khẳng định

Theo một cán bộ địa chính xã Yang Tao, không riêng địa bàn Yang Tao mà người dân cả xã Đắk Liêng phản ánh rất nhiều về tình trạng tàu hút cát. Khi tàu hút cát chọc vòi rồng hút sát bờ, đất lở xuống sông, người dân đến nói còn bị người trên tàu cát bọn đe dọa.

Chờ đánh giá nguyên nhân để đền bù cho dân

Theo bà H Loan Uông, Chủ tịch UBND xã Yang Tao, khu vực đất dọc sông Krông Ana thuộc địa giới hành chính của xã nhưng chủ yếu là người dân của xã Đắk Liêng qua canh tác. Hiện chính quyền chưa nghe người dân phản ánh về tính trạng sạt lở, nếu có kiến nghị, có thể người dân đã kiến nghị bên xã Đắk Liêng.

Theo phản ánh của người dân, hoạt động khai thác cát trên sông Krông Ana khiến bờ sông lở từng ngày. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo phản ánh của người dân, hoạt động khai thác cát trên sông Krông Ana khiến bờ sông lở từng ngày. Ảnh: Ngọc Hùng

“Tiếp nhận thông tin, chúng tôi sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra khu vực sông qua địa bàn xã Yang Tao sạt lở thế nào để có báo cáo và hướng xử lý. Nếu thuộc thẩm quyền xã, xã sẽ xử lý, nếu vượt thẩm quyền, xã sẽ báo cáo huyện”, bà H Loan Uông khẳng định.

Ông Ma Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng cho biết: “Sông Krông Ana chảy qua xã Đắk Liêng với chiều dài khoảng 3km. Thời gian qua, tình trạng tàu hút cát gây sạt lở đất của người dân, được người dân ý kiến rất nhiều. Tuy nhiên, việc này vượt quá thẩm quyền giải quyết của địa phương nên chúng tôi báo cáo lên huyện. UBND huyện cũng đã xuống kiểm tra”.

Theo ông Hoàn, buôn Mliêng 2 sạt lở nhiều nhất nhưng nguyên nhân sạt lở không phải 100% do tàu hút cát mà có cả do mưa lũ. Thời gian qua, người dân ý kiến cần phải xây kè để giữ được đất và nhà cửa người dân. Trước đây, tàu hút gần khu dân cư, khiến cho bờ sông bị sạt lở sát nhà dân, nay đã cấm hút khu vực này nhưng tình trạng sạt lở vẫn đang diễn ra. Hiện diện tích sạt lở vẫn chưa kiểm kê được.

Đất sản xuất sạt lở đổ xuống sông khiến một số vị trí phình to gần cả 100m. Ảnh: Ngọc Hùng

Đất sản xuất sạt lở đổ xuống sông khiến một số vị trí phình to gần cả 100m. Ảnh: Ngọc Hùng

Ông Phạm Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Lắk cho biết: “Trên địa bàn huyện có 5 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát. Trong đó, trên sông Krông Ana có 3 đơn vị gồm: Công ty CP Đoàn Chính Nghĩa, Công ty TNHH VLXD Sông Núi, Công ty TNHH VLXD Tây Nguyên.

Đối với ý kiến của cử tri xã Đắk Liêng đề nghị xem xét có chính sách hỗ trợ người dân có diện tích đất bị sạt lở ven sông Krông Ana, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Đắk Liêng tổng hợp báo cáo cáo cụ thể về vị trí sạt lở, số hộ bị sạt lở, nguồn gốc đất và mục đích sử dụng đất bị sạt lở.

Trên cơ sở báo cáo của UBND xã Đắk Liêng, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban ngành có liên quan tiến hành kiểm tra đánh giá, xác định nguyên nhân gây ra sạt lở để làm cơ sở xem xét, giải quyết cho các hộ dân.

Đối với xã Yang Tao, UBND huyện, phòng TNMT chưa nhận được ý kiến phản ánh của người dân cũng như báo cáo của UBND xã này về tình hình sạt lở trên địa bàn. Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra thực tế tình hình sạt lở trên địa bàn xã Yang Tao, báo cáo đề xuất UBND huyện chỉ đạo xử lý”.

“UBND huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành có liên quan xác định cụ thể nguyên nhân sạt lở để có căn cứ xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ theo quy định. Đồng thời, đề nghị Công an huyện tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra các phương tiện vận chuyển, xử lý nghiêm đối với các phương tiện vận chuyển khoáng sản trái phép, vượt quá tải trọng cho phép, không đảm bảo ATGT, gây ô nhiễm môi trường”, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo người dân địa phương cần cấm khai thác cát gần bờ, phải xây kè, để giữ được đất và nhà cửa của người dân. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo người dân địa phương cần cấm khai thác cát gần bờ, phải xây kè, để giữ được đất và nhà cửa của người dân. Ảnh: Ngọc Hùng

Cũng theo ông Thanh, trước đó, trên sông Krông Ana có 3 vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở được UBND tỉnh phê duyệt cấm khai thác cát với tổng chiều dài 1.880m. Trong đó, tại xã Đắk Liêng có 1 vị trí với chiều dài 1.200m, 2 vị trí tại xã Yang Tao với tổng chiều dài 680m. Các điểm này, được huyện Lắk cắm 6 biển cấm khai thác cát tại điểm đầu và điểm cuối của từng điểm.

Tiếp đó, UBND huyện đã đề nghị UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở bờ sông, đề xuất đưa vào khu vực cấm và tạm thời cấm khai thác khoáng sản. Sau đó, trên địa bàn xã Đắk Liêng có 6 điểm sạt lở bờ sông, xã Nam Ka 1 điểm, xã Ea R’bin 11 điểm, xã Buôn Triết 4 điểm và đã được UBND tỉnh phê duyệt cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoảng sản và được cắm biển.

Theo Ngọc Hùng/ Báo Giao Thông

Link: https://www.baogiaothong.vn/dak-lak-tau-hut-cat-khien-song-sat-lo-dan-mat-dat-san-xuat-d585238.html

Chân Lê

Chân Lê

Tôi là Chân Lê là admin của trang này